Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

14. Đất võ Hà Tây

Nhìn vào bảng kết quả thi đấu những môn võ thuật Việt Nam đang có mặt tại Sea Games 24 lấp lánh huy chương, ông bạn miền Trung của tôi bất giác ứng khẩu: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái cũng giỏi đánh roi đi quyền”, đoạn quay sang hỏi: Bình Định là cái nôi của đất võ miền trong, còn ngoài này, ông có biết “đất hai vua” cũng là một cái nôi kungfu nổi tiếng?”. Tôi thì chưa về Bình Định xem đánh roi, đi quyền bao giờ, nhưng cứ bị “ám” bởi câu ca dao cân quắc ấy, lại tò mò muốn biết xem võ Hà Tây - cái nôi của “hai vua” lạ thế nào bèn quyết định xách máy ảnh lên xe.

Điểm mặt anh hào

Thú thực một điều, đối với võ thuật, tôi là dân ngoại đạo nên nghe đến những: Thiết bối sam công; Ngọa thiền ngự công; Thích phúc nhất chỉ; Thiên cân áp bản... chỉ như vịt nghe sấm. Sư phụ trụ trì môn phái Thiên Môn Đạo, võ sư Nguyễn Khắc Phấn “vỡ lòng” cho tôi ngay từ buổi gặp đầu tiên: Trong võ thuật, người ta có thể luyện tập theo nhiều cách. Cơ bản nhất là bao gồm: quyền, cước, binh khí và nội công (khí công).

Tính ra, hiện nay Hà Tây là nơi xuất phát khai sinh của khá nhiều môn phái. Có thể “chỉ tay điểm mặt” sơ qua một vài đại diện nổi tiếng trong làng võ: Nhất Nam, Thiên Môn Đạo, Vô Vi Nam, Lâm Sơn Động, Nam Hồng Sơn, Bảo Long y võ... Ngoại trừ một vài môn phái “xưng danh” khá sớm thì khoảng hơn chục năm trở lại đây, “quần hùng” bắt đầu để ý đến Thiên Môn Đạo và Lâm Sơn Động - hai môn phái đã từng xác lập khá nhiều kỷ lục Guinness Việt Nam với nhiều “tuyệt kỹ” khiến không ít người trầm trồ thán phục.

Sở dĩ nhắc đến hai môn phái này bởi trong số những tuyệt kỹ công phu, cả hai có nhiều điểm khá tương đồng và đặc sắc. Theo phả hệ của Thiên Môn Đạo thì võ phái có nguồn gốc từ một vùng quê ven sông Đáy thuộc xã Hòa Nam, huyện ứng Hòa. Người đầu tiên khai sinh đặt nền móng cho tinh hoa võ học của Thiên Môn Đạo là Sư tổ Nguyễn Khắc Cống.

Sinh thời, từ thế kỷ XVIII cụ Nguyễn Khắc Cống là một võ quan theo triều đình đánh giặc ngoại xâm, khi về trí sĩ, cụ Cống được giao nhiệm vụ toàn quyền chỉ huy các võ hội trong vùng. Đến nay, sắc phong và tên tuổi cụ còn lưu giữ trên bia đá tại đền Bách Linh. Truyền qua 5 đời, hiện tại người đứng đầu trụ trì môn phái là Võ sư Nguyễn Khắc Phấn.

Tuy ra đời sau, nhưng gần đây Lâm Sơn Động lại là môn phái thu hút khá nhiều sự chú ý của giới võ thuật bởi những kỷ lục Guinness liên tiếp được xác lập. Chính thức được sáng lập từ năm 1990 do bác sỹ, viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh - Lâm Sơn Động là môn phái ít nhiều có ảnh hưởng từ võ học Tây Sơn bởi tổ phụ của môn phái này là Sư tổ Lương Ngọc Nhuệ - một võ tướng của vua Quang Trung ở lại đất Bắc lập nghiệp tại Dương Cốc, Quốc Oai, Hà Tây từ năm 1724.

Đây là môn phái võ thuật được đúc kết từ dòng võ binh chế và dòng võ gia truyền, lại được ứng dụng triệt để theo những nguyên lý của triết học phương Đông, đồng thời do đặc thù riêng biệt về hệ thống quyền pháp, cước pháp mang đậm tính dân gian và hoang dã nên lấy tên là Lâm Sơn Động.

Kungfu khổ luyện

Võ sư Nguyễn Khắc Phấn trụ trì môn phái Thiên Môn Đạo nhìn diện mạo đặc sệt con nhà võ, dáng người cân đối, săn chắc, bộ râu quai nón xanh rì, ánh mắt sắc lẹm đầy nội lực. Anh Phấn được cha dạy võ từ hồi còn 6-7 tuổi, là con trai út trong gia đình, nhưng hiện nay là người đứng đầu môn phái.

Anh Phấn kể, thực tâm mà nói kể từ khi đất nước mở cửa, võ thuật Việt Nam mới có điều kiện phát triển và mở rộng ra đến bên ngoài. Trước đây, do một vài quan điểm chưa thống nhất, những gia đình có truyền thống võ học như anh chỉ truyền dạy môn võ thuật này trong nội bộ dòng họ và con cái. Đó là cách để những bậc tiền bối truyền lại những tuyệt kỹ cho con cháu để khỏi thất truyền đến tận bây giờ. Trong số những tuyệt kỹ mà Thiên Môn Đạo trình diễn trước công chúng phải nhắc đến một tuyệt chiêu mà đến tận bây giờ nhiều người vẫn nhắc đến như một trò ảo thuật, đó là chạy khinh thân trên mặt nước.

Môn sinh của Thiên Môn Đạo gọi đây là chiêu: Khinh thân lão nhân quá giang. Năm 2005 nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiên Môn Đạo đã trình diễn tuyệt chiêu này ngay trên sông Đáy trước sự chứng kiến của hàng nghìn người. Độ dài khoảng cách là hơn 200m, một môn sinh vận võ phục màu xanh chạy băng băng trên mặt nước khiến khán giả mắt tròn mắt dẹt. Để tập thành thục chiêu này không khó, bất cứ môn sinh nào sau khi xét thấy đủ khả năng đều có thể luyện tập và thi triển được - anh Phấn cho biết.

Người am hiểu võ thuật đều biết khi luyện tập đến một trình độ nhất định ngoài khả thi triển quyền cước còn có thể thi triển những bí kíp về nội công mà người bình thường không thể tưởng tượng được bởi nó vượt ra ngoài những nguyên tắc về vật lý và y học. Trong lần ghé thăm võ đường của Thiên Môn Đạo, tôi được nghe những môn sinh ở đây vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện vui về một sinh viên trường y vốn là môn sinh của Thiên Môn Đạo đã tự bế mạch và nhịp tim của mình khiến cho các bác sĩ khám bệnh phải sững sờ.

Nhịp tim và mạch của môn sinh này đã hoàn toàn tắt lịm - anh Phấn cho biết, điều đó vượt ra ngoài khả năng chuyên môn của nghành y. Tất nhiên, luyện tập những cái đó không phải để làm ảo thuật, với Thiên Môn Đạo, nó là một trong những bài tập khí công để con người có thể tự làm chủ bản thân mình. Tính đến nay môn phái này đã có hàng chục nghìn môn sinh rải rác trên khắp cả nước và khoảng 10 võ đường rải rác khắp tỉnh Hà Tây. Võ sư Phấn tự hào: Dù đông thế nhưng chưa một môn sinh nào của võ phái lợi dụng võ thuật để làm điều xấu.

Trong 52 nội dung ứng cử và xác lập kỷ lục Guinness tại Việt Nam thì hiện nay môn phái Lâm Sơn Động đã có 27 tiết mục được Đài truyền hình Việt Nam công bố. Trong lần gần đây nhất, võ sư Nguyễn Ngọc Hải - quyền chưởng môn phái đã thi triển chiêu Thưởng nhạc lưu đình khiến không ít người trầm trồ thán phục.

Trước ống kính của VTV, anh đã thản nhiên ngồi chơi đàn để cho môn sinh đóng liên tiếp 11 chiếc đinh thuyền lên cơ thể mà không chảy bất cứ một giọt máu nào. Môn đồ của Lâm Sơn Động còn có thể thi triển những tuyệt kỹ khác như kê mũi thương vào cổ đẩy xe ôtô nặng 5 tấn, hít bát vào bụng rồi dùng móc cho trực thăng kéo bay lên cao hàng trăm mét hoặc nằm sấp trên 5 mũi giáo mà không hề xây xát.

Để luyện tập được khí công đến mức thượng thừa như vậy, theo võ sư Hải thì cần có một quá trình khổ luyện lâu dài. Ví dụ như chiêu Nhãn bì khiêu thủy buộc dây vào mí mắt nhấc bổng hai xô nước lên cao, môn sinh phải tập luyện “thần nhãn” trong vòng 4-5 năm và chia làm 3 giai đoạn. Đầu tiên họ sẽ phải tập mở mắt dưới nước trong hàng giờ liền, khi mắt đã quen với điều kiện này là đến giai đoạn môn sinh phải nằm thiền bằng cách úp mặt xuống đất.

Tiếp đến là tập nhìn thẳng vào mặt trời để luyện nhãn lực. Kết hợp với vận khí, đến giai đoạn cuối cùng, người luyện có thể tự điều tiết dịch mắt và nước mắt cùng công lực, kình lực nhấc bổng bất kỳ vật nặng nào. Võ sư Hải cho biết, lúc này, sức mạnh của mắt không còn đơn giản là sức mạnh của cơ bắp nữa mà là sức mạnh của thần khí. Hay như chiêu đóng đinh vào cơ thể dùng nó làm móc để kéo ôtô.

Thực ra một người bình thường sẽ không chịu nổi, nhưng với môn sinh luyện khí công 4-5 năm của Lâm Sơn Động, họ sẽ biết cách tự hạ nhiệt độ thân thể xuống, làm giảm nhịp đập của huyết áp để có thể đóng đinh lên bất kỳ chỗ nào của cơ thể, đồng thời, cơ thể sẽ tự điều tiết ra những tiết tố giảm đau cho cơ thể.

Ước mơ cho võ thuật Việt Nam

Nếu so với thế giới, võ thuật Việt Nam góp mặt có phần hơi muộn. Tuy nhiên, sự khẳng định vị thế với những tuyệt kỹ đặc sắc mang tính chất truyền thống của mình thì chưa bao giờ võ phái Việt Nam chịu thua những quốc gia có truyền thống lâu đời nhất như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản...

Võ sư Nguyễn Khắc Phấn khẳng định điều đó khi anh đã 3 lần được vinh dự tham gia Đại hội võ thuật thế giới. Có một câu chuyện khiến anh nhớ mãi và đến bây giờ vẫn tự hào, ấy là Dư Huyền Đức người hiện giữ chức Chưởng môn phái Võ Đang của Trung Quốc đã vô cùng kinh ngạc khi thấy một môn phái nhỏ bé của Việt Nam đã thi triển tới 25 tuyệt kỹ nội, khí công cùng với quyền cước khiến cả đại hội cứ ngỡ như đang xem những màn ảo thuật.

Cuối buổi diễn, đích thân Chưởng môn Dư Huyền Đức tìm đến tự giới thiệu và bắt tay anh kèm theo một câu nhận xét bằng tiếng Anh: Vietnam number one khiến võ sư Phấn lặng người đi. Để nhận được sự thừa nhận của một môn phái từng nổi tiếng trong những tiểu thuyết của Kim Dung là điều không dễ dàng.

Tuy nhiên, anh Phấn nói, tinh thần của võ thuật không vì những tiểu tiết như thế. Môn sinh của tôi học võ là để làm dân chứ không cốt làm vận động viên. Có lẽ câu “Võ dĩ tải đạo” chính là phương châm giáo dục của những võ phái đất hai vua.

Lâm Bình

trích: antd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét