“Có phải Lý sư phụ giới thiệu tới tìm ta?”
Bởi lý do đó, vào Sài Gòn suốt mấy tuần trời, tìm đến khắp các võ đường của Võ lâm Côn Luân nhưng ông vẫn không một lần được thấy mặt Thiện Tâm Thiền Sư. Thấy ông vất vả, kỳ công, các trợ giáo của đại sư đã thương cảm, khuyên ông nên ra Bắc, bởi đại sư không bao giờ tùy tiện gặp người mình không quen biết.
Thế nhưng, nhớ lời dạy của Lý sư phụ trước lúc chia tay, ông quyết chí tìm gặp Thiện Tâm Thiền Sư cho kỳ được, dù có phải đi làm thuê để kiếm kinh phí trang trải trong những ngày chờ đợi.
Thế rồi, cơ duyên đến. Một lần viếng thăm một võ đường của đại sư nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ yên tĩnh, ông đã được một trợ giáo của đại sư đon đả mời vào. Chưa hết ngạc nhiên thì vị trợ giáo ấy đã bảo: “Đại sư đang chờ ông ở trong. Người biết thế nào ông cũng đến nên đã cố tình chờ đấy!”.
Võ sư Băng Sơn kể, nghe câu nói đó ông mừng đến nỗi ú ớ chẳng nói được câu nào. Quãng đường từ võ đài vào phòng đại sư chỉ vòng vèo qua mấy gian nhà mà ông thấy như xa vời vợi. Cái giây phút căng thẳng ấy đã nhanh chóng trôi qua khi cánh cửa phòng của đại sư bật mở.
Đang ngồi trầm ngâm, thấy ông vào, đại sư đứng dậy, vồn vã: “Con vào đây! Ta chờ con cũng đã lâu rồi!”. Khi vừa an vị, một câu hỏi nữa của đại sư càng khiến ông thêm phần bối rối, khó hiểu: “Có phải Lý sư phụ giới thiệu con tới tìm ta?”. “Ôi, sao đại sư biết!?”.
Trước câu hỏi đầy sự kinh ngạc ấy của ông, Thiện Tâm Thiền Sư chỉ khẽ mỉm cười. Sau này, ông đoán rằng, trước đây, bôn tẩu giang hồ, hai vị đại sư đã có lần hội ngộ nên đã hứa hẹn chuyện dìu dắt đệ tử cho nhau.
Môn đồ cuối cùng trong Thập nhị đại đồ đệ
Ngay buổi gặp gỡ ấy, đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã thử tài năng võ nghệ của người đệ tử tương lai của mình.
Ngồi trên sập, đại sư bảo ông thi triển quyền cước trong nhà. Ban đầu, đại sư bắt ông đánh phá 2 cửa, rồi tăng lên 4 cửa, 6 cửa. Sau một thôi một hồi thi triển tất cả những kỹ năng mà mình có được, đã thấm mệt, đang chực dừng lại thì Thiện Tâm Thiền Sư lại giục tiếp: “Đánh 8 cửa!”. Mệt, thêm nữa, trong căn phòng nhỏ ấy, không đủ diện tích để ông thực thi “mệnh lệnh” lạ lùng của vị đại sư, nên ông đành chắp tay mà rằng: “Cái đó thầy con chưa dậy!”. Nghe ông nói vậy, đại sư bỗng phì cười.
Thế nhưng, sau nụ cười ấy ông bỗng trầm ngâm, như đang mải mê với một suy nghĩ vô cùng sâu sắc. Đăm đăm nhìn ông, bất chợt đại sư hỏi: “Con có muốn làm đệ tử ta không? Nếu đồng ý, ta sẽ đích thân chỉ giáo!?”. Câu hỏi ấy đã làm ông vô cùng sung sướng, bởi đó là mục đích của chuyến đi đầy gian khổ mà ông đã phải chịu đựng.
Thế nhưng, nghĩ đến hàng ngàn đệ tử của đại sư, có mấy người được hưởng ân sủng đặc biệt ấy. Sợ hiềm khích, đố kỵ nên ông đã e dè: “Con sợ mình không có khả năng với lại còn sư huynh, sư đệ...”. “Cái đó thì con khỏi phải lo, khả năng của con đến đâu ta biết! Còn về môn phái, ta sẽ đặc cách cho con!”.
Sự kiện Thanh Hư Chân nhân đặc cách thu nạp đệ tử ấy chẳng mấy chốc lan rộng ra khắp sư môn, thậm chí cả làng võ phía Nam. Thế nhưng, với những người luyện võ chân chính thì lại cho đó là một điều vô cùng có lợi cho võ lâm, bởi họ tin vào con mắt tinh đời của ông. Và cũng qua sự kiện ấy, võ lâm mới hiểu hết khát khao cháy bỏng mà suốt cả cuộc đời, Thanh Hư Chân nhân chưa hội đủ điều kiện để thực hiện.
Từ năm 1960, khi sáng lập Tổng hội Võ lâm Việt Nam và Võ lâm đạo Việt Nam, sáng tổ Đoàn Tâm Ảnh đã có dự định hưng chấn võ đạo Việt Nam cùng với Thập nhị đại đồ đệ như truyền thống của các danh sư Côn Luân thủa trước ở Trung Hoa. Mỗi danh sư của phái Côn Luân thì có thể có nhiều đệ tử nhưng chỉ có 12 người được phong pháp danh và được truyền thụ tất cả những bí kíp võ công của môn phái.
Võ sư Băng Sơn kể, trước ông, đã có 11 đại đồ đệ được đại sư Đoàn Tâm Ảnh thu nạp. Trong số họ, đã có nhiều người danh chấn giang hồ như Hàng Thanh, Lạc Hà, Hùng Phong, Vũ Đức... (các cao thủ này hiện đang sinh sống và truyền bá võ thuật ở nước ngoài). Thu nạp ông làm đại đồ đệ cuối cùng, thứ 12, Thanh Hư Chân nhân đã đặt pháp danh cho ông là Bắc Phong Chân nhân với uớc muốn, ông sẽ đưa môn phái phát triển rực rỡ ở miền Bắc.
Lần thứ hai “rút ruột” sư phụ Từ dạo đó, ngày nào cũng vậy, võ sư Băng Sơn được Đại sư trực tiếp truyền thụ võ công. Đại sư là người rất nghiêm khắc trong việc dạy học trò. Còn nhớ, khi mới vào, tiếp xúc với một số đồ đệ của đại sư, ai cũng bảo: “Ổng khó tính lắm! Lôi thôi là ổng uýnh liền à!”. Và, võ sư Băng Sơn cũng không ngoại lệ. Tuy chưa bị “uýnh liền” nhưng Thanh Hư Chân nhân đã ra với ông một điều kiện, các bài mà thầy dạy ngày hôm trước, hôm sau phải tinh thông cho kỳ được. Nếu không làm được như thế thì đại sư sẽ không dạy nữa và coi như duyên số giữa hai thầy trò đã đến ngày cạn phai. Chỉ ít lâu theo đại sư Đoàn Tâm Ảnh, ông đã lãnh hội được toàn bộ Thập bát chưởng công - võ công cơ bản của Côn Luân Bắc phái. Võ công của Côn Luân thiên về việc tu thân luyện sức, toát lên tinh thần nhân ái, các môn sinh thích sống cuộc đời ẩn dật, không phô trương. Bởi thế, võ lâm giang hồ bảo, võ của Côn Luân là Võ tiên. Bởi còn công việc ngoài Bắc, nên khi đã thấm nhuần cái đạo của Võ tiên, thầy trò đành phải nói lời giã biệt. Mãi đến năm 1991, nhân Đại hội Võ thuật toàn quốc lần thứ nhất, Thanh Hư Chân nhân mới ra Hà Nội. Tái ngộ nhau, hai thầy trò mừng mừng tủi tủi. Võ sư Băng Tâm kể, lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, đại sư đã trao cho ông cuốn Cẩm nang bí kíp. Đây là cuốn sách ghi lại đầy đủ những bí kíp võ công của môn phái Côn Luân, do đại sư tự tay chép lại. Về cuốn sách đặc biệt này, võ lâm giang hồ xem như báu vật. Có giai thoại rằng, trước đó, đã có rất nhiều nhà xuất bản đến nài nỉ xin mua lại bản thảo với số tiền khổng lồ. Riêng nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn đã trả cho đại sư 200 cây vàng nhưng ông vẫn không chịu bán. Tiếp những nhà xuất bản ấy, đại sư chỉ bảo: “Sách quý, không bán được! Nhưng gặp ai, thấy thích tôi sẽ tặng ngay!”. Cũng trong lần gặp ấy, đại sư đã bảo ông rằng: “Ta 18 năm lang bạt học võ thì đến giờ đã truyền cho con được 9 năm rồi. Khi nào vào đó (Sài Gòn) ta sẽ truyền nốt 9 năm còn lại cho con!”. Nghe lời dạy của đại sư, thu xếp ổn thỏa công việc, năm 1995, ông lại khăn gói vào Sài Gòn “rút ruột” tinh hoa võ thuật của sư phụ mình. Và, chuyến đi này, khả năng hấp thụ võ công của ông đã khiến Thanh Hư Chân nhân vô cùng mãn nguyện. Thọ giáo “Vương kiếm” Huyền Công Đạo Ra Bắc, vừa tập trung sức lực gây dựng môn phái, võ sư Băng Sơn còn được “Vương kiếm” - "vua ám khí" Huyền Công Đạo Trần Công quý mến chỉ giáo thêm. Nhờ sự tận tình ấy, ông đã lãnh hội được ở đại sư nhiều môn binh khí đặc dị và những bí pháp có một không hai. Và chuyện võ sư Băng Sơn diện kiến Huyền Công Đạo Trần Công đến giờ vẫn được giới võ thuật truyền tai nhau như một giai thoại đẹp. Võ sư Băng Sơn kể, nghe tiếng tăm của cụ Trần Công đã lâu, đặc biệt là khả năng khí công siêu phàm của cụ, đã nhiều lần ông muốn thử. Thế nhưng, ngại mình là bậc hậu sinh, lại thêm phần Huyền Công Đạo nổi tiếng kỹ tính nên loay hoay mãi mà ông chẳng biết chọn cách nào. Cho đến một buổi, sau hôm gặp đại võ sư ở Hội võ thuật Hà Nội, ông đã quyết định “diện kiến” sự cao thâm của bậc danh nhân làng võ ấy. Ông lấy côn và tự đánh một đòn rất nặng vào tay trái của mình. Cú “tự xử” ấy khiến khuỷu tay ông bầm tím, sưng vù. Ôm cánh tay đau đớn ấy, ông đã gõ cửa nhà Huyền Công Đạo. Võ sư Băng Sơn kể, hôm ấy ông đã được mấy phen kinh ngạc. Thấy bộ dạng của ông, Huyền Công Đạo như đã biết tỏng sự việc, nhưng ông vẫn vui vẻ mời ông vào và nói: “Ông muốn ta phóng khí chữa vết thương phải không, được rồi, ông cứ ngồi nguyên đó, ta sẽ chữa cho!”. Nghe đại sư nói thế, biết là “âm mưu” của mình đã bị đại sư “bắt vị”, nhưng ông vẫn ngồi xuống và toan cởi bỏ hết áo rét để xem bậc trưởng lão... phóng khí chữa bệnh thế nào. Thế nhưng, việc ấy đã bị Huyền Công Đạo ngăn lại: “Không cần, ông cứ ngồi nguyên đó!”. Lời của đại sư khiến ông rất kinh ngạc, bởi hôm đó trời rét như cắt da cắt thịt nên ông đã ních vào người rất nhiều áo rét. Ngoài 2 chiếc áo len, ông còn khoác thêm cả chiếc áo Na- tô dày ở ngoài. Bởi ăn vận như vậy nên ông không thể tin lão võ sư có thể truyền khí xuyên qua ngần ấy áo để mà chữa thương cho mình. Thế nhưng, lạ kỳ thay, sau khi vận khí, tay đại lão võ sư để cách vết thương của ông đến cả gang tay. Vậy mà, chỉ trong tích tắc, ông đã cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt ở ngay tại nơi “mình tự làm mình khổ” ấy. Tay ông lúc thì nóng ran, lúc thì lạnh toát. Chừng 3 phút sau, Huyền Công Đạo kết thúc công việc của mình. Và thật bất ngờ, ông thấy tay mình tuyệt nhiên không còn đau đớn nữa. Vết thương thì chỉ qua đêm đó đã lành lại như chưa hề bị va đập. Cuộc rượu định mệnh Năm 1985, sau khi đi bộ đội về, võ sư Băng Sơn mở võ đường ở Hà Nội. Ông kể, cái thủa ban đầu cam khó ấy, để võ đường tồn tại được, ông đã phải nhiều lần đích thân đứng ra thi thố võ nghệ để giữ vững uy danh của võ đường. Trong số những đối thủ, có cả những kẻ cố tình phá đám, dẫm đạp lên tinh thần võ đạo. Thế nhưng, từ sau trận đấu với một võ sư ở quận Hoàn Kiếm, ông đã rất ăn năn, tự hứa với mình không bao giờ ra tay nếu thật sự thấy không cần thiết. Nghe tiếng ông đã từng thọ giáo nhiều bậc đại sư tiếng tăm lừng lẫy và biết ông là đệ tử chân truyền của Chưởng môn Lý Chấn Hòa, một võ sư ở quận Hoàn Kiếm – Hà Nội (cũng theo học một thầy Tàu), đã nhiều lần gửi lời thách đấu. Vị võ sư ấy lực lưỡng, sức mạnh thì kinh hồn, mỗi cú thôi sơn có sức nặng ngàn cân. Để biểu diễn sức mạnh của mình trước võ lâm đồng đạo, vị võ sư ấy từng dùng tay trần đấm tróc vỏ cây già. Khiêu chiến mãi không được, vị võ sư đó đành qua một người quen của ông, mời ông tới nhà uống rượu. Nghĩ đó là sự ân tình, ông đã vui vẻ nhận lời mà không ngờ nó trở thành cuộc rượu định mệnh của vị võ sư kia. Võ sư Băng Sơn kể, ban đầu cuộc rượu đó diễn ra rất vui vẻ, thế nhưng, rượu vào thì lời ra, chủ đề võ thuật lại được chủ nhà nhắc tới. Và ông ta có những lời miệt thị, xúc xiểm đến việc mấy lần ông từ chối lời thách đấu. Cùng với sự chế nhạo đó, ông ta khoe những thế võ độc của mình. Rượu cũng đã ngà ngà, trước sự khoe khoang vô lối của đối phương, võ sư Băng Sơn bảo, những thế võ đó, ông có thể hóa giải được. Và, ngay trong cuộc rượu đó, ông đã “diễn thuyết” cách thức phá chiêu của mình. Bị bóc mẽ trước đám đệ tử của mình, gia chủ đã vô uất ức. Ông ta bảo, Băng Sơn chỉ giỏi... võ mồm, còn quyền cước thì chẳng đến đâu. Một lần xuất chiêu cả đời day dứt Vẫn bằng cái giọng khiêu khích, hợm hĩnh, ông ta thách người ngồi đối diện với mình ra sân thi đấu. Trước thái độ quá quắt ấy, hơi men trong người đã làm võ sư Băng Sơn tức giận. Ông đứng phắt dậy, ra sân. Nhưng, với “thói quen” vốn có khi thi đấu của mình, võ sư Băng Sơn kể, ông vẫn nhường cho đối thủ tấn công trước 3 đòn. Và đúng như đã nói ở trong mâm rượu, hai đòn đầu, khi đối phương tung chiêu độc, ông đã lần lượt hóa giải và nhứ đòn vào những chỗ hiểm của đối phương. Đòn thứ ba cũng vậy, như mãnh thú say mồi, đối phương hùng hục lao tới, nhưng ông cũng nhanh chóng vô hiệu hóa chiêu thức ấy. Đã quy ước trước, khi hai bên giao đấu, không được cố tình đánh vào những tử huyệt của nhau như yết hầu, mắt, hạ bộ... Sau đòn thứ 3, đáng ra vị võ sư kia phải dừng lại và coi như cuộc đấu đã phân biệt rõ kẻ thắng người thua. Vậy mà, khi ông đã dừng đòn, gia chủ vẫn bất thình lình chơi ngay đòn hiểm, xỉa thẳng tay vào mắt đối phương. Không đề phòng nên trước cú đánh bẩn ấy, ông chỉ kịp ngửa mặt tránh. Tuy thế, ngón tay của đối phương vẫn cầy rách mí mắt trái của ông. Sau cú đánh đó, tiện tay, gia chủ tung ngay một đòn như trời giáng vào vai trái khiến ông loạng choạng. Biết đối phương quyết hạ độc thủ, hết đường lùi, ông quyết định phản đòn. Khi đối phương chưa kịp thu tay về thì đã bị ông túm lấy giật mạnh về phía trước... Võ sư Băng Sơn kể, khi đối phương lỡ chớn, lao theo cú giật đó thì ngay lập tức, ông lách sang bên rồi giáng luôn một đòn vào mang tai đối phương và tiếp theo là một đòn vào phần gáy. Đồng thời với sê-ri đó là một cú gối thốc ngược lên phản đà đổ xuống của đối thủ. Dính 3 đòn liên tiếp, vị võ sư cao to ấy bật ngược ra phía sau và nằm bất động. Võ sư Băng Sơn kể, vài tuần sau, có người đến tìm ông báo tin, vị võ sư ở Hoàn Kiếm đó sau lần tỉ thí với ông đã nằm liệt giường, không thể nào đi lại được nữa. Tin ấy làm ông giật mình, kinh hãi. Có lẽ tại bởi uống rượu, bởi tức giận nên hôm đó ông đã xuống tay quá nặng và những cú đòn đó đã làm kinh mạch của đối phương bị tổn thương, sinh ra bại liệt. Hối hận, ông đã vội vàng đường sữa lên thăm. Gặp ông, vị võ sư đó buồn bã bảo: “Lỗi này do tôi, ông không phải bận tâm gì. Suốt mấy tuần qua, nằm suy nghĩ, tôi biết, với tính khí ấy của mình thì sớm muộn gì tôi cũng sẽ gặp cảnh này!”. Võ lâm Việt Nam tùng thư Theo võ sư Băng Sơn thì cho đến tận bây giờ, vị võ sư ấy vẫn phải sống cảnh liệt giường. Tâm sự với tôi, day dứt ông bảo, nếu có thể thì qua bài báo này, một lần nữa ông gửi lời xin lỗi tới vị võ sư đó và gia đình. Một lời xin lỗi tự đáy lòng mình. Sự day dứt ấy của võ sư Băng Sơn đã “ngấm” rất sâu vào phong cách dạy môn đồ. Nội quy môn phái, ông nhấn mạnh tinh thần võ đạo, ấy là không được dùng võ công để khuất phục người khác. Đặc biệt hơn, môn sinh của ông, nếu thi đấu với ai mà không được sự đồng ý của thầy thì coi như tự xóa tên mình ra khỏi môn phái. Đặc biệt, tinh thần ấy đã “chuyển hóa” thành sự trượng nghĩa, nhân ái: Tất cả các môn đồ, nếu cực chẳng đã phải thi đấu thì dứt khoát phải nhường đối phương trước 3 đòn rồi mới được ra tay. “Quy chế” đó đã bất di bất dịch từ lâu lắm rồi! Mấy lần tôi đến, trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng ở ngay cạnh hồ Thanh Nhàn, đều bắt gặp cảnh võ sư Băng Sơn đang loay hoay viết sách. Ông đang tập trung sức lực của mình để cho ra đời bộ sách Võ lâm Việt Nam tùng thư. Theo võ sư Băng Sơn thì đó là bộ sách ghi chép khá đầy đủ những chặng đường phát triển của võ học Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét