Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

15. Võ sư Lương Ngọc Hùynh - Kỳ nhân ở nước Nga

Phóng sự: Lương Ngọc Huỳnh - kỳ nhân ở nước Nga
04/11/2008 09:17:34


(SVVN) LTS: Cuốn Bách khoa thư Những con người của thiên niên kỷ chúng ta do nhà xuất bản Tuyến đường mới của Nga ấn hành năm 2008 có 72 bài viết về 72 cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho cộng đồng không phân biệt tôn giáo, quốc tịch, đẳng cấp. Hai cái tên Việt Nam lần đầu tiên được nhắc đến trong cuốn sách này (xuất bản thường niên từ năm 2005) là bác sĩ Lã Đình Quang (đã xuất hiện trên SVVN 18) và võ sư - bác sĩ- viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh bên cạnh những nhân vật nổi tiếng V.Putin (Thủ tướng, nguyên Tổng thống Nga), Y.Luzkov (Thị trưởng Matxcơva), ... Bài viết về võ sư - bác sĩ- viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh có tựa đề: Người kế thừa những kiến thức vĩ đại. “Những kiến thức vĩ đại” ở đây là võ thuật và y học đã được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau để chữa bệnh cho hơn 20 nghìn bệnh nhân trong 7 năm qua, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia. Lương Ngọc Huỳnh cũng chính là người sáng lập môn phái Lâm Sơn Động, được những người trong giới nghệ thuật, võ thuật và y học biết đến như một kỳ nhân.

Xác chết sống lại!

4g15 sáng ngày 23/9/1966, bà Nguyễn Thị Tuấn đẻ rơi Lương Ngọc Huỳnh ngay cạnh chuồng trâu gia đình ở thôn Dương Cốc xã Đồng Quang, Quốc Oai (Hà Tây cũ). Anh bị nhiễm trùng uốn ván. Nằm ở trạm y tế xã được 7 ngày thì... “chết”. Các y tá kiểm tra thấy tim mạch ngừng đập nên trả về để gia đình lo hậu sự.

Người bố thất thần lấy tấm áo mưa quấn Lương Ngọc Huỳnh vào rồi cùng những người thân trong gia đình mang anh ra đồng chôn. Đúng lúc đó thì bà nội, sau khi đi thăm con ở dưới Hải Phòng, về đến nơi. Trớ trêu là từ lúc bà nhận được điện tín thông báo cháu ra đời đến lúc về đến nhà mất đúng 7 ngày. Bà chạy thẳng ra đồng hỏi: “Sao chôn nó nhanh thế? Bới lên cho tao nhìn mặt cháu đã!”.

Hố chôn trẻ sơ sinh đào không sâu, chỉ khoảng 80 cm, nên việc bới lên không quá khó khăn. Bà gỡ tấm áo mưa ra nói trong nước mắt: “Nhìn kháu thế mà chết, khổ thân cháu tôi”. Đúng lúc đó thì đứa trẻ lại thở được. Những người có mặt ở đó thấy một mảnh bông dính ở lỗ mũi “xác chết” cứ thụt ra thụt vào.

Theo ngôn ngữ y học bây giờ thì lúc đó Lương Ngọc Huỳnh bị chết lâm sàng. Đứa bé lập tức được đưa lên Bệnh viện Gồ Sơn Tây. Lúc đó một giáo sư bác sỹ người Đức rất giỏi về sài uốn ván tên là Johan đang có mặt ở bệnh viện đã trực tiếp chữa bệnh cho Lương Ngọc Huỳnh. Sau 3 tháng cậu bé sống lại bình thường.

Nhưng do bị di chứng của bệnh uốn ván nên “người được nước Nga vinh danh” sau này lúc đó bị liệt toàn thân: đặt đâu nằm đấy, chân tay co quắp. Vào thời điểm đó y học hiện đại bó tay. Bà nội, Nguyễn Thị Tị vốn là một bậc thầy về y học và võ thuật cổ truyền, đã trực tiếp chữa cho Lương Ngọc Huỳnh theo các phương thuốc gia truyền.

Bà lấy dây phanh xe đạp tước ra, cắt ngắn, mài nhọn, đốt nóng, lau bằng rượu rồi châm vào các huyệt trên cơ thể người cháu nội tật nguyền. Bà lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm tìm các bài thuốc quý về chữa cho cháu suốt 4 năm. Một ngày tháng 10/1970 Lương Ngọc Huỳnh bỗng nhiên cử động được bàn tay và đến tháng 2/1971 Lương Ngọc Huỳnh bước được những bước đầu tiên của cuộc đời.

Nghệ sỹ tí hon

Vào một buổi trưa tháng 10/1971, Lương Ngọc Huỳnh (5 tuổi) lắng nghe chương trình “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền” của đài tiếng nói Việt Nam. Cậu say sưa với âm thanh được phát ra từ một loại nhạc cụ mà sau này được bố (ông Nguyễn Ngọc Bỉnh) giải thích là đàn bầu. Từ hôm đó Lương Ngọc Huỳnh miệt mài tập luyện đàn bầu cùng bố và học rất khá.

Không biết đọc bản nhạc, nhưng chỉ cần nghe một lần là chơi lại được chính xác với đàn bầu. Phòng Văn hoá huyện Quốc Oai đặc cách cho Lương Ngọc Huỳnh nhập vào đội văn nghệ đi biểu diễn khắp nơi. Trong những ngày tháng Mỹ ném bom Hà Nội, Lương Ngọc Huỳnh cùng đội văn nghệ Dương Cốc đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh.


Chơi được 24 nhạc cụ
Sau đàn bầu Lương Ngọc Huỳnh chơi được nhiều loại nhạc cụ. Tổng số nhạc cụ mà anh có thể chơi là 24, nhưng 4 loại nhạc cụ hay chơi nhất là đàn bầu, nhị, sáo trúc và ghita. Hiện anh có 20 ca khúc chưa được công bố.

“Sự nghiệp” âm nhạc của Lương Ngọc Huỳnh kéo dài đến năm 1975 thì khựng lại. Kinh tế gia đình (nhà có 7 anh chị em) khó khăn, anh phải bỏ các buổi lưu diễn dài ngày để đi làm tất cả những gì có thể giúp đỡ bố mẹ. Năm 1989 (sau khi Lương Ngọc Huỳnh đi bộ đội về), gia đình anh thành lập CLB nghệ thuật đi biểu diễn khắp nơi.

Để có tiền mua nhạc cụ và các trang thiết bị âm thanh, phải vay mượn khá nhiều. Nhưng vào thời điểm đó dòng nhạc dân tộc của gia đình không cạnh tranh nổi với các băng Boney và Modern Talking đang rất thịnh hành. “Tiền kiếm được không đủ để trả lãi, hồi đó tôi vẫn nhớ lãi suất là 12,6%/tháng . Cuối cùng các nhạc cụ, thiết bị âm thanh bị siết nợ hết. Gia đình rơi vào cảnh bị phá sản hoàn toàn. Nhà có 7 anh em (6 trai, 1 gái) mỗi người phiêu bạt một nơi”.

Dạy võ kiếm tiền

Lương Ngọc Huỳnh bắt đầu sống bằng nghề dạy võ. Học viên từ Hà Tây và các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội... kéo đến rất đông đóng lều, lán để học võ ngay ở nhà thầy. Học sinh đào đất (trong vườn nhà thầy) đóng gạch bán để lấy tiền ăn. Hai cái ao trước cửa tổ đường bây giờ chính là do võ sinh đào đất đóng gạch mà thành.

Thấy thanh niên các nơi đổ về xã học võ rất đông, đồn phó của một đồn Công an ở huyện Quốc Oai lúc đó tên là Tuấn xuống tận nơi bán tín bán nghi hỏi Lương Ngọc Huỳnh: “Cháu có võ thật không? Nếu có võ thật thì thử lên đánh với đội trưởng đội Hình sự huyện”. đội trưởng Hình sự lúc đó là Vinh “trọc” vừa tốt nghiệp ĐH Cảnh sát Nhân dân rất giỏi võ. Lương Ngọc Huỳnh trả lời: “Cháu chẳng thích đánh nhau với các anh công an, nhưng nếu chú muốn thì anh em đánh thử giao lưu một trận cũng được”.

Ông Tuấn khẳng định: “Nếu cháu đánh được Vinh “trọc” thì chú sẽ rủ tất cả công an Quốc Oai học võ của cháu”. Hôm đó tại động Hoàng Xá ở thị trấn Quốc Oai, mấy chục cán bộ công an ra xem trận đấu giữa một người giỏi võ nhất của đội hình sự, người kia là một võ sư trẻ. Người xem chưa kịp ổn định vị trí thì trận đấu đã kết thúc: chưa được 30 giây, đội trưởng đội hình sự đã thua.

Ông Tuấn lúc đó thốt lên: “Chưa bao giờ thấy ai đánh võ như thằng này”. Thế là Lương Ngọc Huỳnh dạy võ cho công an huyện Quốc Oai, kể cả công an xã và dân quân tự vệ. Cuối năm 1989, tổng số học viên, trong đó có cả công an, đã lên đến hàng nghìn.

Mặc dù được sự ủng hộ của công an huyện Quốc Oai, nhưng để môn phái được hoạt động hợp pháp, Lương Ngọc Huỳnh vẫn phải đăng ký với Sở TDTT. Ngày 23/9/1990, anh nhận được giấy phép hoạt động. Đây cũng được lấy làm ngày thành lập môn phái Lâm Sơn Động và là bước ngoặt đưa cuộc đời Lương Ngọc Huỳnh sang một chương mới.


Kỳ 2: Những trận đấu lịch sử

SVVN)Một môn phái mới ra đời bao giờ cũng gây ra sự nghi ngờ với các môn phái khác. Thời kỳ 5 năm đầu thành lập môn phái, không ngày nào không có người đến tỉ thí, thậm chí có ngày đấu hai trận. Nhiều môn phái cử các đại đệ tử đến thách đấu. Họ thích đấu trực tiếp với Lương Ngọc Huỳnh vì anh vừa là người sáng lập vừa là chưởng môn phái: "Nhưng thật may mắn là tôi đấu chưa bao giờ thua. Thường các trận đấu diễn ra rất nhanh: không quá 1 phút là đối thủ bị đo ván. Có lẽ vì lý do này mà từ gần 10 năm nay chẳng còn môn phái nào đến Lâm Sơn Động thách đấu nữa".

Trận đấu đầu tiên với võ sư nước ngoài

Năm 1993, Lương Ngọc Huỳnh (27 tuổi) uỷ quyền điều hành môn phái tại Việt Nam cho em trai Lương Ngọc Hải để sang Trung Quốc "học hỏi" theo lời dặn của bà nội. Anh mở một vài võ đường ở Lào Cai với mục đích là lấy chỗ đi lại và lấy tiền để chi tiêu khi sang Trung Quốc.

Chỉ cần nhìn anh tay không đấm vỡ quả dừa hay biểu diễn một số độc chiêu như đặt cây thương nhọn vào cổ đẩy xe tải (Dụng thương thôi xa), gánh hai xô nước đầy bằng mí mắt (Nhãn bì khiêu thủy)... là học viên kéo đến học rất đông. Lương Ngọc Huỳnh dạy cả võ cho công an, hải quan dọc biên giới. Anh nổi tiếng cả ở Vân Nam vì người dân ở đây xem được một số chương trình biểu diễn của anh phát trên đài truyền hình Lào Cai.


Một hôm, Sình Quáng Lẩu, võ sư ngũ đẳng của môn phái Ngũ Đài Sơn (Trung Quốc), tìm đến Lương Ngọc Huỳnh mời đấu để phân tài cao thấp. Anh không thích đánh kiểu "ăn thua" vì lúc đó anh sang Trung Quốc học hỏi với tư cách chưởng môn phái. Thường thì các bên chỉ biểu diễn các động tác theo kiểu giao lưu học hỏi lẫn nhau.

Lương Ngọc Huỳnh biểu diễn cho họ xem, họ biểu diễn đáp lại. Nhưng Sình Quáng Lẩu nhất định muốn đấu. Võ sư ngũ đẳng Ngũ Đài Sơn cứ lẽo đẽo đi theo chưởng môn phái Lâm Sơn Động suốt cả buổi sáng. Lương Ngọc Huỳnh ở vào tình huống không đấu không được: "Đến trưa, tôi đến báo cáo với trưởng công an phường Kim Tân là anh Đông. Anh ấy bảo nếu họ đã quyết tâm thế thì cứ đánh giao lưu một trận, anh ấy sẽ làm trọng tài nên yên tâm là không để ai quá đau".


Lúc ấy cánh xe ôm đã xếp xe vòng trong vòng ngoài tạo thành một võ đài vòng tròn, người xem rất đông. Nhưng chỉ chưa đầy 30 giây, Sình Quáng Lẩu đã bị đánh ngất xỉu, phải sơ cứu một lúc mới tỉnh. Đây là trận đấu đầu tiên của Lương Ngọc Huỳnh với một võ sư nước ngoài.

Trận đấu này sau đó đã được lan truyền rất nhanh: "Kể từ trận đấu đó cứ mỗi dịp tôi qua Hà Khẩu lại được rất nhiều thanh niên Trung Quốc khoanh tay chào kiểu con nhà võ". Sau này anh em bạn bè ở Hà Khẩu đã giới thiệu để Lương Ngọc Huỳnh gặp gỡ với nhiều võ sư nổi tiếng khác của Trung Quốc. Ngoài các kiến thức võ thuật, anh còn được học nhiều về các kỹ thuật bắt mạch, châm cứu, bốc thuốc, ...


Hạ HLV võ thuật FBI trong hơn một phút

Cuối năm 1996 Lương Ngọc Huỳnh quay về Việt Nam. Ngay năm sau được Tổng giám đốc công ty Đông Nam Dược Bảo Long Nguyễn Hữu Khai mời làm trợ lý để giúp đỡ môn phái Bảo Long Y Võ.

Tháng 7/1998, đoàn võ thuật Pháp sang TP. Hồ Chí Minh tìm một võ sư giỏi để mời sang Pháp giao lưu giảng dạy. Trong đoàn Pháp có võ sư tên là Benoit nặng hơn 90 kg, từng vô địch võ thuật tự do châu Âu. Nhiều võ sư tại TP Hồ Chí Minh đã không chịu nổi các đòn đánh của Benoit. Một số người trong giới giới thiệu: Muốn tìm võ sư giỏi thì phải ra ngoài Bảo Long gặp Lương Ngọc Huỳnh.


Ba võ sư trong đoàn Pháp tìm đến Bảo Long xin thi đấu giao lưu. Đầu tiên Lương Ngọc Huỳnh đấu với Benoit, sau đó là với cả ba. Các võ sư trong đoàn Pháp rất thích thú và mời luôn chưởng môn phái Lâm Sơn Động sang Pháp. Nhận thư mời từ tháng 8, nhưng đến tận tháng 12/1998 Lương Ngọc Huỳnh mới sang được Pháp (vì nhiều thủ tục lúc đó rất phức tạp). Điểm đến là Trung tâm võ thuật Paris.

Lớp học của anh lúc đó có khoảng 200 võ sinh (đã tập luyện võ thuật từ trước). Đến tháng 3/1999, nước Pháp tổ chức giải vô địch võ thuật tự do toàn châu Âu. Lương Ngọc Huỳnh đưa tám học sinh đi thi đấu và giành vị trí nhất toàn đoàn với 3 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Đây là thành tích cao nhất của Trung tâm võ thuật Paris kể từ khi thành lập. Nhiều đài truyền hình Pháp làm phóng sự về chương trình võ thuật của Lương Ngọc Huỳnh. Chương trình dạy võ của anh tại Pháp phải kéo dài hơn so với dự định ban đầu.


Đội cảnh sát đặc biệt của Pháp (GIGN) mời Lương Ngọc Huỳnh dạy võ. Buổi đầu tiên đến trụ sở của GIGN, anh gặp Philippe - HLV võ thuật của FBI (đã từng học võ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một võ sư khác đang là HLV võ thuật của cảnh sát Israel.

Lúc đó Philippe (124 kg) nghi ngờ: "Tôi không thể tin một võ sư Việt Nam nhỏ như thế này lại có thể đánh võ giỏi. Tôi muốn đấu với ông ấy". Người phiên dịch lúc đó là chị Mai tái mặt: "Chị lo cho em quá vì võ sư này rất nổi tiếng". Lương Ngọc Huỳnh trấn an: "Chị không nên quá lo lắng. Cũng cần phải thử mới biết được. Kể cả thua mình cũng vui vẻ chấp nhận. Đã vào đây rồi thì phải đánh".


Những đòn đá rất mạnh vào bụng, mạng sườn Philippe không phát huy tác dụng: "Lấy kinh nghiệm từ các trận đấu với các đối thủ châu Âu cao to, tôi cứ nhằm ống chân Philippe mà đá. Đá liên tiếp 5 cú thì đối phương đau đứng không vững. Lúc đó mới áp sát ra các đòn khác. Tổng thời gian khoảng hơn một phút thì Philippe xin thua". Lương Ngọc Huỳnh chính thức được mời dạy. Camera được lắp ở 4 góc phòng ghi lại giờ dạy của anh. Anh dạy cho GIGN 2 tuần.

Mở võ đường ở Nga

Năm 2001, Hội võ thuật Việt Nam tại Nga được thành lập. Lương Ngọc Huỳnh, với tư cách là đặc phái viên của tổng giám đốc công ty Đông Nam Dược Bảo Long, được cử sang Nga để phát triển việc bán thuốc hiệu Bảo Long và truyền bá võ thuật. Anh đã mở võ đường ở Trung Tâm Thương Mại Sông Hồng.


Nghe danh tiếng của anh Igore - vô địch sambo của Nga trong nhiều năm liền- đến gặp Lương Ngọc Huỳnh. Igore không tin là một người Việt Nam nhỏ thó chỉ với 54 kg có thể thắng được một người to nặng 115 kg như anh ta. Igore thách đấu.

"Tôi chỉ dùng các kỹ thuật đánh thấp (quăng người như con rắn cách mặt đất khoảng 50 cm) và cuồng phong cước đánh vào chân đối phương. Igore mất bộ pháp (đau chân không di chuyển được). Lúc đó mình muốn đánh vào đâu cũng được". Sau trận thua ấy, Igore xin làm đệ tử của Lương Ngọc Huỳnh.

Từ 10 năm nay Igore vô địch nước Nga về sambo và hiện là HLV võ thuật của Cục tình báo Nga.


Tuấn Anh




2 nhận xét:

  1. Người Nổi Tiếng: Lương (Nguyễn) Ngọc Huỳnh:
    http://vutienducazvietnam.blogspot.com/2013/11/211113-nguoi-noi-tieng-luong-nguyen.html

    Trả lờiXóa
  2. Hay quá. Vậy mà đến tận bây giờ tôi mới đọc được những thông tin này. Thật là cao thủ võ lâm, nhỏ thó mà tài thế. Lại cùng họ với nhà mình nữa chứ. Bái phục, bái phục, bái phục võ sư Lương Ngọc Huỳnh. Cám ơn anh VuTienDuc nhiều.

    Trả lờiXóa