Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

2. Lão võ sư Trần Tiến - Trưởng môn phái Thiếu lâm nội gia quyền



*********KỲ 1: ĐIỀU TỐI THƯỢNG CỦA VÕ ĐẠO







Lão võ sư đã bỏ ra hàng mấy năm ròng rã chân truyền để luyện tập cho đệ tử với những tử đòn tuyệt kỹ công phu. Nhưng rồi một đêm, ông bảo đệ tử hãy cùng ngồi thiền quán tưởng về đòn thế hiểm độc và bất ngờ nói: “Ta muốn các con hãy rũ bỏ tất cả trong tâm tưởng những tử đòn này đi”.

Mồ hôi chảy hôm nay để máu không đổ ngày mai

Gần 90 năm trước, dưới mái một ngôi chùa cổ ở Hải Phòng, sư phụ lão võ sư Trần Tiến từng yêu cầu các đệ tử tâm phúc của mình như thế. Các môn sinh cao đẳng, qua nhiều năm được chân truyền võ đạo, thấu đạt tâm ý thầy. Nhưng những võ sinh còn nhỏ tuổi, mới bắt đầu luyện võ như Trần Tiến thì thật sự bất ngờ: “Tại sao thầy trò ta đã đổ biết bao mồ hôi, thậm chí cả máu để luyện tập, rồi lại bỏ đi? Học võ để làm gì?”.

Con đường tầm sư học võ của võ sư Trần Tiến cũng do cơ duyên. Là hậu duệ của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, cha con Trần Tiến (quê ở Bắc Giang) phải lánh nạn về Hải Phòng khi cuộc kháng chiến tan rã. Cha ông đổi họ tên xin được chân khuân vác và giữ kho đường để mưu sinh qua ngày. Một hôm, ba lính Pháp xông vào cướp kho đường, cha con Trần Tiến lao ra chống trả quyết liệt, nhưng sức vóc hai cha con không thể nào chống chỏi nổi toán lính to kềnh càng. Đang núng thế, bất ngờ một bóng áo nâu bay vụt vào. Chỉ trong chớp mắt, người này tung ra mấy cú liên hoàn cước đá văng cả ba tên lính ra đường. Người nghĩa hiệp đó xoa đầu khen Trần Tiến: “Cậu bé nhỏ tuổi mà có dũng khí. Nếu cậu có chí luyện võ phòng thân, đến chùa gặp ta”.


Ngay tối đó, cậu bé Trần Tiến tìm đến ngôi chùa cổ, cậu mới biết ân nhân của cha con mình chính là nhà sư, võ sư Lý Giang Nam. Ông là một cao thủ Thiếu Lâm Nam phái, bị Nhật truy lùng nên bỏ quê hương Trung Quốc sang VN lánh nạn. Lễ bái sư đơn sơ nhưng trang nghiêm khi sư phụ yêu cầu người đệ tử nhỏ phải tuyên thệ tinh thần tối thượng của võ đạo “học võ để tu thân, để hành đạo nghĩa”. Cậu bé Trần Tiến bắt đầu những ngày khổ luyện, bởi thầy luôn dạy rằng: “Mồ hôi chảy hôm nay để máu không đổ ngày mai”. Bất chấp trời mưa gió hay đêm đông rét buốt, ông vẫn luôn bắt đệ tử lao vào luyện tập, có những bài phải luyện tập đến hàng ngàn lần cho thuần thục đến mức như phản xạ tự nhiên dù là đòn thế tuyệt kỹ hay chỉ các bộ tấn pháp đơn giản.

Cậu bé Trần Tiến mê võ, hăng say tập luyện, nhưng nhiều khi chỉ muốn buông xuôi vì... đói! Một tối, Trần Tiến đến sân võ với cái bụng trống rỗng. Cậu cố tập vận đòn tay phát khí, nhưng bộ chân trụ tấn cứ lỏng và tay càng lúc càng run. Sư phụ Nam nghiêm giọng hỏi đệ tử. Trần Tiến đành phải nói thật: “Cả ngày hôm nay con chỉ được ăn một bát cháo”. Sư phụ nhíu mày, không nói tiếng nào và lần đầu tiên ông cho phép đệ tử được nghỉ sớm. Trưa hôm sau, gia đình Trần Tiến đang xì xụp húp cháo độn rau thì thầy Lý Giang Nam bất ngờ đến. Ông đứng lặng nhìn nồi cháo rồi ra về. Buổi tập tối đó, ông bảo các đệ tử ngồi lại, rồi trầm ngâm nói: “Một đồng môn nhỏ của các con đang bị đói. Ta muốn các con mỗi buổi tập hãy góp vào cho em các con được một ổ bánh mì hoặc bát cơm đầy. Điều tối thượng của võ đạo chính là tình thương”. Trần Tiến thấm dần những điều ẩn chứa sau những đòn thế và quyền pháp.

Có lần, võ sư bất ngờ quyết định đuổi một lúc sáu đệ tử thuộc loại cao thủ nhất võ đường, bởi họ tính tình nóng nảy thường hay gây sự với mọi người. Ngồi xếp bằng trước sáu đệ tử đang quì gối, ông nghiêm nghị: “Ta đuổi không phải vì ghét giận mà vì thương các con. Nếu học võ để giỏi đánh nhau thì chỉ là hạng võ phu không sớm hại người cũng hại chính bản thân mình. Ta chỉ nhận lại các người khi đã thật sự thay đổi tính nết, hiểu rõ được tâm nguyện mình học võ để làm gì”. Chuyện qua lâu, bất ngờ một hôm ông gọi Trần Tiến đem mấy thang thuốc trị đả thương cho một số người. Khi đến nơi Trần Tiến mới biết đó là những võ sinh cao thủ bị đuổi ngày nào.

Tuyệt kỹ võ công



Nhà sư, võ sư Lý Giang Nam được nhiều người yêu mến vì ông là một thầy thuốc giỏi, đặc biệt trị các chấn thương xương cốt. Một số võ sinh cũng được ông truyền lại các thuật chữa thương cho đến tận ngày nay. Có người đã thật lòng hỏi ông: “Tại sao thầy vừa dạy cách đánh người lại vừa chỉ cách cứu người?”. Ông trầm ngâm trả lời: “Đó là điều con hãy tự chiêm nghiệm lòng mình. Võ hay đạo cũng là một”.

Sư phụ chữa bệnh không thu tiền, nhưng những người giàu có vẫn tìm cách tạ ơn. Và ông dành tiền của họ để làm phí chữa bệnh cho người nghèo. Cuối đời, ông tiên đoán được thời gian mình qua đời nên chia tay học trò để về nước. Tối trước ngày thầy ra đi, trăng rằm tỏa ánh sáng vằng vặc xuống sân chùa. Các đệ tử ngồi xếp bằng lặng nghe lời thầy dạy lần cuối. Bất ngờ, ông cầm con dao cắt vào ngón tay mình, rồi để máu chảy ròng ròng và nói: “Các đòn thế độc ta đã truyền dạy cho các con cũng như lưỡi dao bén này, nó có thể làm hại người. Ta muốn các con học để biết lợi hại của võ thuật mà phòng tránh nó, chứ không phải sử dụng nó. Hãy rũ bỏ nó đi”.

Sư phụ Lý Giang Nam về nước được ít hôm, các đệ tử góp tiền tổ chức một nhóm đi đường bộ qua ngả Vân Nam sang Trung Quốc thăm thầy lần cuối. Hình ảnh cuối đời của một bậc cao thủ võ công lừng danh cả hai nước thật đạm bạc chỉ với chiếc giường gỗ cũ. Một người trong gia đình kể: “Từ hôm về nước, sư phụ đem phân phát tất cả tài sản còn lại của mình cho dân làng, rồi nhịn ăn hoàn toàn, chỉ uống nước trắng và ngồi thiền. Cách đây mấy hôm, sư phụ biết mình sắp chết, có dặn dò lại nếu có học trò sang tìm thì khi thiêu xác ông, nửa tro cốt đem rải trước chùa Thiếu Lâm, nửa còn lại đem về rải ở đất Hải Phòng”.

Trần Tiến cùng đồng môn nghe kể lại đã bật khóc trước tấm lòng của người thầy phương xa. Họ đã thật sự ngộ ra được lời thầy, chẳng phải đòn thế nào, dù cao siêu đến bao nhiêu bằng tấm lòng khi thu phục được nhân tâm con người. Đó mới chính là tuyệt kỹ võ công, là võ đạo thượng thừa.



********KỲ 2: TRẬN ĐẤU SINH TỬ

Hạ thấp tấn pháp, người võ sĩ trườn người nhập nội, rồi mãnh liệt tung đòn “xà vương phún khí”. Đối thủ đau đớn ngã gục. Trọng tài quyết định người chiến thắng. Nhưng bất ngờ, ông lại chắp tay vái xin nhận thua.

“Xà vương phún khí”

Sau khi thọ giáo với sư phụ Lý Giang Nam, chàng trai mê võ Trần Tiến còn tiếp tục học hỏi thêm nhiều môn phái khác, đặc biệt là khổ luyện nhu thuật và kiếm đạo của Nhật. Không chỉ học hỏi, Trần Tiến còn phân tích tinh hoa của hai dòng võ Trung Quốc và Nhật Bản để sáng tạo thành những đòn thế độc đáo cho riêng mình. Máu nóng TS cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã dần dần đẩy đưa Trần Tiến bước lên nhiều sàn đấu võ thuật trong nước và quốc tế. Sau khi giành ngôi vô địch kiếm thuật Bắc kỳ, ông tiếp tục giành chiến thắng trong hầu hết trận đấu quyền thuật nhờ sự khổ luyện công phu.

Những năm đầu thập niên 1940, trong màu áo quảng cáo của một hãng giày, Trần Tiến bắt đầu sự nghiệp đấu võ đài chuyên nghiệp ở các nước Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines... Trong một giải quyền thuật tự do ở Singapore, ông đã giành chiến thắng hết các lượt đấu vòng ngoài. Đối thủ cuối cùng của Trần Tiến họp báo trước trận chung kết tuyên bố nhất định sẽ rửa hận cho đồng hương đã bị ông đánh bại.

Trận đấu được qui định trong tám hiệp, mỗi hiệp dài 3 phút. Các võ sĩ chỉ bị cấm đánh xòe tay, còn đòn hiểm như cùi chỏ, đầu gối đều được sử dụng và không mặc áo giáp bảo hộ. Võ sĩ Tiểu Lâm Xung nặng 75kg, cao 1,76m trong khi Trần Tiến lúc ấy nặng chưa tới 65kg và chỉ cao 1,69m.



Ngày trước đêm thượng đài, đại diện của hãng giày lặng lẽ đi cửa sau đến tìm Trần Tiến và truyền đạt mệnh lệnh: “Anh cũng phải thắng trận này. Giới cá cược và truyền thông hiện đang thiên về võ sĩ Singapore. Nếu ta thắng ngược, tên tuổi anh sẽ nổi lên như cồn mà cũng có lợi cho thương hiệu giày”. Trần Tiến trầm ngâm không trả lời, nhưng trong lòng ông đã quyết thắng. Cả buổi trước giờ đấu ông chỉ ngồi thiền, lặng lẽ suy nghĩ về các đòn thế đã học.

Đêm quyết đấu bắt đầu. Tiểu Lâm Xung mặc quần ngắn, áo thun khoe cơ thể lực sĩ và liên tiếp dùng cạnh bàn tay chặt vỡ những tấm ván dày 5cm thay cho màn chào khán giả. Xong, anh ta quay sang hỏi Trần Tiến có thi chặt ván với mình không. Trần Tiến chỉ im lặng lắc đầu. Tiểu Lâm Xung hỏi tiếp: “Vậy thì tự xin thua đi”.

Trần Tiến vẫn mím môi lắc đầu. Tiếng chuông báo hiệp một vang lên, hai võ sĩ lao vào nhau. Tiểu Lâm Xung cậy sức tới tấp tung đòn mãnh liệt, Trần Tiến buộc phải lui vào thế phòng ngự nhiều hơn, thỉnh thoảng mới tìm cách nhập nội để ra đòn. Tiểu Lâm Xung ra hổ quyền thì Trần Tiến dùng hầu quyền để tránh. Tiểu Lâm Xung tiếp tục tung xà quyền. Trần Tiến lại khống chế bằng hạc quyền.

Bốn hiệp đấu trôi qua. Võ sĩ Trần Tiến chưa dính đòn hiểm nhưng bị trọng tài chấm thua điểm số vì ít tấn công. Chính trong khoảnh khắc chủ quan khinh địch của đối thủ, Trần Tiến bất ngờ hạ thấp tấn pháp, trườn người nhập nội như con rắn và bật ngược lên tung đòn “xà vương phún khí” hiểm hóc chính xác vào hạ bộ đối thủ.



Trong chớp mắt, Tiểu Lâm Xung rũ người đổ ập xuống lăn lộn, rồi bất tỉnh như thân chuối bị phạt ngang. Cả khán đài sững sờ. Trần Tiến cũng sững sờ. Chính ông cũng không hiểu tại sao mình ra đòn này. Ông lặng lẽ quì xuống xem Tiểu Lâm Xung bị thương thế nào. Miếng bảo hộ vùng hạ bộ của anh ta đã bị vỡ vì cú đánh quá mạnh.

Lòng tự trọng của võ sĩ

Trận đấu dừng lại vì Tiểu Lâm Xung không thể đánh tiếp. Các trọng tài hội ý với nhau và quyết định công bố người chiến thắng là võ sĩ Việt Nam. Sự thật Trần Tiến đã vô tình ra đòn xấu, nhưng võ đài tự do cũng không lạ với chuyện này và các trọng tài sẽ quyết định theo kết cục trận đấu.

Trọng tài chính đến nắm tay Trần Tiến giơ lên cao và trao huy chương cùng tiền thưởng cho ông. Nhưng bất ngờ, trong ánh mắt sững sờ của mọi người, Trần Tiến rút tay lại, chắp bái xin lỗi rồi tự nhận phần thua trước trọng tài, khán giả và đối thủ mới vừa hồi tỉnh. Sau cơn cuồng nhiệt quyết đấu thắng thua, Trần Tiến đã bình tâm trở lại. Võ đài không còn quyết đấu nữa. Thắng bại như gió thoảng qua. Bên tai ông văng vẳng lời thầy dạy ngày nào.

Trần Tiến lặng lẽ cúi đầu rời võ đài trong tiếng huýt sáo phản đối của những kẻ thua cược và cả tiếng vỗ tay của những người cảm phục khí khái ông. Người giận ông nhất đêm đó có lẽ chính là đại diện hãng giày. Suốt đêm Trần Tiến không ngủ được. Lần đầu tiên trong đời võ của ông xảy ra chuyện này, ông ray rứt buồn cho chính bản thân mình.

Ngồi lặng lẽ trước tấm hình thầy, ông suy nghĩ mãi về lời thầy dạy: “Người luyện võ khi phải sử dụng võ mà chỉ biết mỗi mục đích chiến thắng thì chỉ là hạng võ phu. Trên sàn thi đấu, con phải tìm chiến thắng trong nghệ thuật đẹp của võ. Còn nếu phải quyết liệt trên đường phố để tự vệ hay giúp đỡ người khác, con hãy cố tìm cách khống chế, thu phục đối phương chứ không nên sát hại họ”.

Sáng hôm sau, trời còn tờ mờ, đoàn võ sĩ Singapore đã cử ba huynh trưởng đi xe hơi đến gõ cửa phòng ông. Họ chỉ nói ngắn gọn sư phụ võ đường mình cần gặp võ sĩ Việt Nam. Khi đến võ đường Singapore, ông hơi sựng lại khi nhìn thấy 300 võ sinh đứng khoanh tay thành hai hàng vây lấy mình. Trong lúc ông đang hình dung đến chuyện sinh tử sắp xảy ra, bất ngờ vị sư phụ già bước xuống ghế, đến bắt tay ông và nói: “Cảm ơn con đã cho chúng ta một trận đấu đẹp. Chính cái đẹp phát sinh từ cái xấu mới là cái đẹp có ý nghĩa nhất”.

Sau đó, Tiểu Lâm Xung cũng bước lên chào ông: “Đêm qua, lúc dính đòn gục xuống, tôi chỉ muốn vùng dậy để giết anh, nhưng rồi tôi đã nể anh. Tuy nhiên, tôi sẽ không nhường anh nửa đòn trong trận tái đấu tới đâu nhé”. Trần Tiến mỉm cười: “Tôi sẽ phân thắng bại thật sự với anh trong trận tái đấu dù ở bất cứ đâu. Nhưng đối với tôi, đêm qua đã là trận đấu cuối cùng, trận đấu của tôi với chính tôi rồi”.

Người võ sĩ tự xin thua nay đã 96 tuổi. Sau trận thượng đài đáng nhớ đó, Trần Tiến rời võ đài tham gia kháng chiến, huấn luyện tay không cận chiến cho bộ đội đặc công. Đất nước thống nhất, ông vào TP.HCM dạy võ, làm chưởng môn Thiếu Lâm nội gia quyền cho hàng ngàn võ sinh. Hiện ông vẫn còn dạy võ tại quận Tân Bình. Ông thường kể cho đệ tử tâm phúc nghe trận đấu cuối cùng của đời mình làm bài học xóa đi lòng hiếu chiến và vọng danh của những người mới chập chững vào đường võ.








_________________________QUỐC VIỆT

_________________________


trich: vietbao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét