Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

22. Hạ võ sĩ Nam Hàn, vinh danh làng quyền cổ

Khi đối phương tung một cú đòn lỡ trớn, lão võ sư liền cúi người, quét luôn chân trụ. Đám khách không mời đã phải chắp tay: "Kung fu Tây Sơn danh bất hư truyền!".

Sáng tổ của làng quyền An Vinh (đất võ Bình Định) là Nguyễn Ngạc, tức Hương Mục Ngạc. Theo nhiều người thì bà tổ cô của Nguyễn Ngạc chính là thầy dạy võ của nữ tướng Bùi Thị Xuân.

Nguyễn Ngạc có nhiều học trò, họ đều là những võ sư ưu tú, tiếng tăm lừng lẫy. Trong số ấy phải kể đến Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Giác, Sáu Hà, Tám Tự, Hai Tửu, Hương Kiểm Mỹ...

Bảy Lụt tên thật là Nguyễn An, là con trai của Nguyễn Ngạc. Ông sáng dạ, sức khoẻ thì phi phàm, lanh lẹ tựa cọp beo.

Năm 1935, Bảy Lụt cùng em mình là Chín Giác và Hương Kiểm Mỹ tham dự giải đấu võ đài toàn quốc tại Huế. Thi đấu thắng hàng loạt đối thủ, ông đã đem về cho làng quyền An Vinh huy chương vàng. Từ đây, danh tiếng về làng võ này đã được các môn sinh khắp nơi biết đến.

Thừa hưởng các bí kíp quyền pháp của cha, không để thất truyền, Bảy Lụt cũng chiêu mộ nhiều đệ tử. Trong số ấy, nổi danh nhất là võ sư Phan Thọ, người gốc Bình Nghi (Tây Sơn) người đã thừa kế di sản đồ sộ của môn phái quyền An Vinh.

Võ sư Phan Thọ sinh năm 1925, bắt đầu học võ từ năm 17 tuổi. Ông được lĩnh hội võ thuật cao siêu của rất nhiều tiền bối. Các bài quyền, roi, kiếm, đao, thương ông học từ thầy Bảy Lụt, Tàu Sáu (Diệp Trường Phát). Các môn kích, gản, phủ, lăn khiên, chùy... ông học từ thầy Sáu Hà (Lê Hải). Các môn côn, thước, xích, độc bút, xà mâu, đinh ba... ông lĩnh hội từ thầy Hồ Ngạch. Tuy thế, sở trường của ông vẫn là quyền, thứ mà ông được thầy Bảy Lụt dày công dạy dỗ.

Cũng giống như nhiều võ sư nổi tiếng khác, võ sư Phan Thọ cũng đã có nhiều trận thi tài, mà đến giờ nhiều người khi nhắc tới đều vẫn ngả mũ thán phục tài năng.

Ngày ấy, khu vực Nam bộ, Trung Nam bộ rộ lên phong trào thi đấu võ đài theo kiểu tự do. Dù đã thượng đài rất nhiều lần nhưng Phan Thọ vẫn chưa có đối thủ. Tiếng tăm ông mỗi lúc một vang xa.

Năm 1972, một võ sư taekwondo đệ ngũ đẳng huyền đai, vốn là một sĩ quan quân đội Nam Hàn đã tìm đến ông gửi lời khiêu chiến. Bị “áp đáo tại gia”, dù mến khách nhưng không có cách nào khác, ông phải nhận lời.

Trận tỉ thí diễn ra ngay trong nhà. Không khách khí, khách tung đòn trước. Đó là một cú đá có sức mạnh kinh hồn. Nhanh như sóc, Phan Thọ cúi người né tránh khiến chiếc cột giữa nhà thành... nạn nhân bất đắc dĩ. Thiết cước ấy làm cả gian nhà rung chuyển.

Thủ thế đến chiêu thức thứ ba, khi đối phương vẫn hăng say tung những cú đá nhanh như chảo chớp của mình. Lựa một cú đá quét ngang mặt của đối phương, ông liền giở thế tấn mã tam chiến, một chân quét, một tay đỡ đòn, tay còn lại dương hổ trảo, hạ luôn đối thủ. Chỉ một cú đánh ấy, viên sĩ quan Nam Hàn đã nằm sõng soài ngay góc nhà. Và, đương nhiên, anh ta chắp tay kính phục.

Ở tuổi tuổi xưa nay hiếm, nhưng lão võ sư Phan Thọ vẫn phải đứng ra nhận lời thách đấu của giới võ lâm. Khi ấy, năm 1998, lại một đoàn võ sĩ cũng của Hàn Quốc tìm đến nhà ông. Họ cho rằng, võ cổ truyền của Việt Nam chỉ là võ vườn, không có đẳng cấp như taekwondo nước họ. Tuy đã có tuổi, chẳng còn máu hơn thua nhưng khi đã chạm đến lòng tự hào dân tộc, lão võ sư lại xắn áo “thượng đài”.

Lợi dụng sức trẻ, võ sinh Hàn Quốc ra đòn vun vút. Có cú sát thủ đến nỗi cả mảng vữa tường rơi lả tả. Lão võ sư cứ nhẹ nhàng tránh né, hoá giải, chờ cơ hội. Và cơ hội ấy cũng đã đến khi đối phương tung một cú đòn lỡ trớn. Chỉ chờ có vậy, lão võ sư liền cúi người, quét luôn chân trụ. Chỉ một cú đòn ấy, đám khách không mời đã phải chắp tay: “Kung fu Tây Sơn danh bất hư truyền!”.

(Còn nữa)

Đào Thanh Tuy


trích: giadinh.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét